Trang chủ » Hỏi & Giải Đáp Về Thiền

Hỏi & Giải Đáp Về Thiền

Nên thiền vào lúc nào ?

Thời gian thiền định tốt nhất là vào sáng sớm, lúc bắt đầu có tia nắng mặt trời chiếu sáng.
Bởi lúc này chim muông thức giấc, cây xanh cho khí oxy trong lành mát mẻ.
Và buổi sáng, lúc bạn chưa tiếp nạp bất kỳ thông tin gì sẽ là lúc bạn dễ lắng đọng, dễ đi vào trạng thái thiền định nhất.
Ngoài ra, bạn có thể thiền bất cứ lúc nào bạn rảnh, miễn là bạn cảm thấy thoải mái như giờ giải lao buổi trưa, buổi chiều, buổi tối…

Trích từ bài nói chuyện của Shri Mataji – Người sáng lập Thiền Sahaja Yoga “Buổi sáng con thức giấc, hãy tắm, ngồi xuống, uống trà, không nói gì cả.
Đừng nói gì trong buổi sáng, hãy ngồi xuống, hãy thiền bởi vì thời gian này những ánh sáng linh thiêng chiếu rọi và sau đó là ánh sáng mặt trời xuất hiện.
Điều này giải thích tại sao chim muông thức giấc. Tất cả chúng đã được đánh thức bởi ánh mặt trời, và nếu nhạy cảm con sẽ cảm thấy rằng bằng cách thức giấc vào buổi sáng, con sẽ trông trẻ hơn ít nhất mười tuổi.
Thực sự, đó là điều tốt khi thức dậy buổi sáng và sau đó, tự động con sẽ đi ngủ sớm.
Điều này là để thức dậy, còn để ngủ (sao cho tốt) thì Ta không cần phải nói với nữa vì con sẽ tự sắp xếp được. Thời gian này, trong buổi sáng con nên chỉ đơn giản là thiền.”

Thời gian Thiền trong bao lâu thì được ?

Thời gian mới tập thiền định, bạn có thể tập ngồi trong 5 – 10 phút để quen dần với việc thiền định.
Khi bạn đã quen với việc thiền, bạn có thể ngồi thiền định lâu hơn là 20 – 30 phút.
Và bạn cũng có thể ngồi thiền cả tiếng đồng hồ miễn bạn cảm thấy thoải mái với điều đó.
Tuy nhiên, quan trọng hơn thời gian ngồi thiền trong bao lâu là CHẤT LƯỢNG LÚC THIỀN ĐỊNH.
Ví dụ: Bạn ngồi thiền trong 30 phút nhưng lại căng thẳng, suy nghĩ hết quá khứ rồi lại tương lai thì cũng không tốt bằng ngồi thiền 10 phút nhưng cả 10 phút ở trong trạng thái thiền.

Không gian thiền định như thế nào ?

  1. Không gian thiền là không gian mở, thoáng, có gió mát lưu thông là tốt nhất
  2. Không gian thiền luôn có ánh sáng
  3. Không gian thiền yên tĩnh

Trang phục khi thiền định

Trang phục khi thiền định cần thoải mái, không gò bó, quá chật.
Không nên mặc quần jean khi thiền định.

Có nên nghe nhạc khi Thiền định không ?

Bạn hãy thử nghe nhạc khi thiền định và không nghe nhạc khi thiền định để biết cách nào phù hợp với mình.
Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy nghe nhạc khi thiền định thì bạn cần biết mình nên nghe nhạc thiền nào.
Tùy bản nhạc mà có rung động, năng lượng của người chơi nhạc. Sẽ ảnh hưởng tới việc thiền định của bạn.
Thiền Sahaja Yoga có những bản nhạc thiền định riêng. Bạn theo dõi website để cập nhật link nhạc thiền hoặc gửi thông tin theo form bên dưới về cho chúng tôi để nhận nhạc thiền.

Cách ngồi thiền không tê chân ?

Trước tiên, việc ngồi thiền bị tê chân là bình thường. Ngay cả những người thiền định lâu rồi vẫn bị tê chân trong lúc thiền định.
Cách xử lý: bạn hãy chọn tư thế ngồi thiền thoải mái, ít bị đau nhức, tê chân nhất. Nếu đang thiền định bạn cảm thấy tê chân, hãy đổi cách xếp chân trái, phải cho nhau hoặc duỗi thắng chân thư giãn trong ít phút rồi thiền tiếp.
Bạn cũng có thể ngồi trên ghế thay vì ngồi dưới đất để không bị tê chân.

Tại sao khi thiền định lại buồn ngủ?

Giống như bạn phải làm việc vất vả suốt 12 tiếng mệt mỏi, giờ có lẽ đặt bạn ở chỗ nào bạn cũng ngủ ngon lành vậy.
Thì nay không phải 12 tiếng mà trong mấy chục năm sống, học tập và làm việc, sức khỏe cả tinh thần và thể chất của bạn đã quá mệt mỏi, chỉ là bạn không để ý hoặc không nhận ra thôi.
Ngày ngày với những toan tính, dự định, những lo lắng và những áp lực của cuộc sống, cũng tương tự như một ly nước mỗi ngày bị rót thêm vào những điều vẩn đục, ta cần thời gian cho mọi cặn bẩn lắng xuống, ngừng rót thêm những điều tiêu cực.
Thì khi Thiền chính là lúc bạn đang được lắng đọng, thanh lọc lại cơ thể và được tưới thêm nguồn nước trong lành mát mẻ.

Lúc này cả cơ thể và tâm trí bạn được nghỉ ngơi, bạn đang ở trong sự bình an và thỏa mãn. Bạn đang cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản, an toàn và hạnh phúc.
Và lúc này bạn buồn ngủ là hết sức bình thường.

Ngoài ra bạn sẽ thấy, sau một thời gian Thiền, giấc ngủ hằng đêm của bạn cũng rất sâu và chẳng còn thấy con cừu nào để đếm nữa 
Vậy Buồn Ngủ là trạng thái thường thấy của những người mới tập Thiền. Sau một thời gian được thanh lọc, bạn sẽ không còn thấy buồn ngủ mà sẽ quan sát nội tâm mình và tiến xa hơn tới trạng thái Tỉnh Thức Không Suy Nghĩ.

Cách hít thở khi thiền ?

Với thiền Sahaja Yoga, thì việc hít thở chỉ là cách để bạn đặt sự chú tâm vào bên trong cơ thể, để bạn thiết lập lại sự tĩnh lặng khi bắt đầu buổi thiền.
Khi bắt đầu buổi thiền, bạn có thể hít thở thật sâu bằng cách: hít bằng mũi và thở bằng miệng, bụng phình to. Và khi đầy khí trong bụng, bạn hãy giữ lại 1 – 2 nhịp trước khi thở ra bằng miệng.
Bạn làm như vậy khoảng 3 lần lúc đầu buổi.
Còn trong quá trình thiền định, bạn hãy hít thở bình thường và thoải mái nhất để tận hưởng sự thư thái.

Khi thiền thì tập trung vào đâu ?

Với thiền Sahaja Yoga, khi thiền bạn để sự chú tâm tại đỉnh đầu – vùng thóp, đây chính là Luân xa 7 (bạn có thể xem thêm bài viết luân xa là gì đang được update)
Tuy nhiên để đặt được sự chú tâm ở đó mà không bị sao nhãng (suy nghĩ) thì người ta thường khuyên bạn để sự chú tâm vào hơi thở, vào nhịp tim…
Điều đó cũng đã rất tốt khi bạn để sự chú tâm vào bên trong cơ thể (thay vì để sự chú tâm ra bên ngoài).
Nhưng về bản chất và để đạt được trạng thái thiền thì với Sahaja Yoga chỉ khi bạn ở trạng thái tỉnh thức không suy nghĩ thì mới là thiền. Tức không có bất kỳ suy nghĩ nào mà vẫn biết những sự việc diễn ra xung quanh.

Tư thế ngồi thiền như thế nào cho tốt ?

Điểm chính yếu là khi thiền bạn cần thoải mái.
Nếu bạn cố gắng ngồi thiền với tư thế kiết già, bán kiết già… mà bạn cảm thấy không thoải mái, khó chịu thì cũng không có ý nghĩa gì.
Vậy bạn hãy ngồi ở xếp bằng hai chân ở tư thế thoải, lưng thẳng.
Nếu bạn không ngồi thiền xếp bằng hai chân ở sàn được lâu, bạn vẫn có thể ngồi thiền một cách thoải mái trên ghế.

Có nên thiền chung cùng những người khác không ?

Bước đầu tiên để bạn có được Sự Nhận Thức Không Suy Nghĩ là cần đánh thức nguồn năng lượng tiềm ẩn trong bạn.
Bạn có thể theo dõi khoá học thiền online để được hướng dẫn cách đánh thức.
Sau đó bạn có thể tự học thiền theo hướng dẫn thiền từ khoá học thiền online với các buổi học đơn giản.
Tuy vậy, nguồn năng lượng trong bạn lúc đầu chỉ như sợi tơ nhỏ, nếu bạn tới lớp và thiền chung cùng mọi người. Thì nguồn năng lượng đó được kết hợp lại như sợi dây thừng lớn. Việc đó giúp bạn tiến triển và cảm nhận rõ việc thiền định của mình.
Ngoài ra, tại lớp học, với các trải nghiệm từ những người thiền định lâu năm, chắc chắn bạn sẽ học hỏi và được chia sẻ rất nhiều điều hay về thiền mà bạn chưa biết.

Cần làm gì để thoát khỏi vòng xoáy của cuộc sống

Chúng ta luôn tất bận với công việc, với tiền bạc, với gia đình và con cái…
Nhưng bạn có biết… “Bánh xe thì di chuyển rất nhanh còn trung tâm của bánh xe là vùng tĩnh lặng.
Nếu con đang ở trung tâm của chính mình, khi bánh xe chuyển động con sẽ không bận tâm. Ngay lập tức để nhảy vào trung tâm thì rất khó khăn đối với người phương tây vì quá nhiều áp lực.
Bánh xe chuyển động quá nhanh và con không thể đặt sự chú tâm ở giữa được. Nhưng nếu con đi đến khu vực yên tĩnh hơn, nơi không có quá nhiều áp lực về thời gian, hay bất cứ sự ràng buộc nào, thì sự chú tâm sẽ dần hướng về trung tâm. Đó là lý do tại sao con người đến Himalaya, nơi rất yên bình và ở đó con đạt được sự bình yên của riêng con tốt hơn.
Và nếu con thiết lập sự bình yên đó trong thiền định của mình, ta chắc chắn con có thể quay trở lại, tới bánh xe di chuyển nhanh đó thì con vẫn có thể ở trung tâm (chính giữa) của bản thân mình.”
Trích từ bài nói chuyện của Shri Mataji – Người sáng lập Thiền Sahaja Yoga.

Có thể bạn không cần phải lên núi hay tới tận dãy núi Himalaya, bạn hoàn toàn có thể thiết lập sự bình an, sự tĩnh lặng trong chính bạn.
Hãy để Thiền Sahaja Yoga giúp bạn!

Giải đáp thiền định cho người mới bắt đầu

“Mình bắt đầu học buổi đầu tiên hôm chủ nhật. bắt đầu tập từ hôm thứ 2, ngày 2 lần, sáng, tối. Tuy nhiên chỉ là ngồi im chứ không vào trạng thái thiền được. tối vẫn khó ngủ và hôm nay vừa không ngủ được. vậy làm sao thiền được, làm sao tĩnh tâm được bạn, xin hãy chỉ cách nhé.”
Câu hỏi từ chị M. Ca


Thiền Sahaja Yoga gợi ý:
Thiền Sahaja Yoga là một tiến trình như gieo hạt và nảy mầm, lớn lên, trưởng thành…, và thiền cũng sẽ qua từng giai đoạn như vậy.
Hiện tại mình mới gieo hạt, hằng ngày mình thiền đều đặn để vun đắp hạt mầm.
Trong giai đoạn đầu tiên, mình vẫn còn nhiều suy nghĩ, thiếu tập trung hoặc chưa được tĩnh lặng.
Nhưng mình sẽ dần thấy mình nhìn vào bản thân nhiều hơn. Tâm mình bớt động loạn, mình sẽ ở trong sự bình an nhiều hơn 🙂
Việc vẫn còn suy nghĩ là bình thường với tất cả những người tập thiền.
Chỉ khác là theo từng giai đoạn:

  1. Mình nhìn vào bản thân thay vì suy nghĩ những chuyện bên ngoài.
  2. Mình sẽ giảm/bớt suy nghĩ dần theo thời gian.
  3. Mình có những trạng thái thanh thản, bình an hơn khi mình nhìn nhận ra bản thân mình, nội tại của mình.
  4. Tiếp theo ở mỗi buổi học tới, mình sẽ có thêm những kỹ thuật và trải nghiệm. Rồi mình sẽ nảy mầm tốt hơn và thiền tốt hơn.

Chị đừng quá lo lắng nhaMình vẫn tiếp tục thiền đều đặn như vậy, và tuần tới chị sẽ được các anh chị chia sẻ nhiều hơn cho mình ạ. Chúc chị sức khoẻ và bình an!

Bạn có câu hỏi hay thắc mắc về Thiền, hãy đừng ngại nhắn tin cho page Thiền Sahaja Yoga theo link: Thiền Sahaja Yoga Việt Nam giải đáp cho bạn nhé!

Đăng ký khóa học thiền Sahaja Yoga miễn phí

Bạn có thể đăng ký khóa học thiền Sahaja Yoga hoàn toàn miễn phí tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh ngay bây giờ nhé!

KHóa học thiền ở TP. HÀ NỘI – Thời gian: Chiều CHỦ NHẬT hàng tuần từ 15h30 – 17h00 – Địa điểm: Vương Thừa Vũ, Q. Thanh Xuân – Hà Nội – Học phí: Hoàn toàn MIỄN PHÍ
Khóa học thiền tại TP. ĐÀ NẴNG
– Thời gian: Sáng CHỦ NHẬT hàng tuần từ 9:15 – 11:00

– Địa điểm: Đặng Thuỳ Trâm, Đà Nẵng
– Học phí: Hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khóa học thiền ở TP. HCM [HỒ CHÍ MINH] – Thời gian: Sáng CHỦ NHẬT hàng tuần từ 9:00 – 11:00
– Địa điểm: Thảo Điền, Quận 2, Tp. HCM
– Học phí: Hoàn toàn MIỄN PHÍ

Nếu bạn cần trợ giúp, hãy gửi tin nhắn qua facebook: m.me/SahajaVietnam